Một trong những cấu trúc khiến chúng mình đau đầu khi học N4 đó là Ngữ pháp N4 ~らしい phải không? Cùng mình điểm lại cách dùng và ý nghĩa của nó nhé. Yên tâm là sau bài viết này, các bạn sẽ thấy cấu trúc ~ rashii này cực dễ và dễ thương nhé 😀
Tổng quan Ngữ pháp N4 ~らしい
~らしい dùng khi
– người nói muốn truyền đạt lại, thuật lại 1 sự vật, sự việc
– thể hiện sự suy đoán, giả định của người nói
– thể hiện bản chất, tính chất của sự vật nào đó
Cấu trúc:
V thể thường/ない + らしいです。
A-i/くない/かった/くなかった + らしいです。
A-na/N/じゃない/だった/じゃなかった + らしいです。
Cách dich:
Nghe nói là/hình như là/có vẻ là/dường như là…
Truyền đạt, thuật lại
Với ý nghĩa này, ~らしい được người nói sử dụng để truyền đạt lại, kể lại những gì mà người đó nghe, đọc được từ người khác, từ báo đài hay xem được từ tivi, tin tức.
Với nghĩa này thì nó khá giống với みたいだ, ようだ, そうだ. Ví dụ:
A: 先生が風邪を引いたらしい。Hình như/nghe nói cô giáo bị cúm.
Bạn cũng có thể nói:
B: 先生が風邪を引いたみたいだ。
C: 先生が風邪を引いたようだ。
D: 先生が風邪を引いたそうだ。
Chú ý:
– Tất cả đều có nghĩa là “nghe nói”, “hình như”…. Tuy nhiên B và C thì là cách biểu đạt dựa trên suy đoán, giả định của riêng bạn. Ví dụ bạn nhìn thấy cô giáo ho, hắt hơi, sổ mũi…. nên bạn đoán cô giáo bị cúm. Còn A và D thì mang tính diễn tả dựa trên thông tin gián tiếp.
– ようだ và みたいだ có thể được sử dụng khi bạn miêu tả thứ gì đó về chính bản thân bạn nhưng らしい hay そうだ thì sẽ không sử dụng cho chính bạn. Ví dụ:
“Hình như tôi/có vẻ là tôi bị cúm nên tôi sẽ về nhà” sẽ nói là:
・風邪をひいたみたいなので帰ります。
・風邪をひいたようなので帰ります。
Bài tập luyện đọc hiểu N4 (P4)
Thể hiện sự suy đoán, giả định của người nói
Sử dụng ~らしい để thể hiện sự suy đoán, giả định nghĩa là: người nói có 1 vài cơ sở cho suy đoán đó, chẳng hạn do tưởng tượng, dự kiến, chứng kiến….. Nó giống với ~ようだ. Tuy nhiên ~らしい cho phép người nói truyền đạt bất cứ điều gì họ muốn nói một cách khách quan hơn bằng cách tránh xa tình huống.
Ví dụ:
うちの娘は、新しいゲームを欲しがるのはやめたらしい。Dường như con gái tôi đã từ bỏ việc mong muốn có 1 máy game mới.
~らしい có thể được sử dụng để truyền đạt 1 giả định mà người nói đã đưa ra về 1 tình huống 1 cách khách quan. Nhưng tùy thuộc vào các tình huống, ~らしい cũng mang sắc thái khác, không liên quan gì đến người nói. Ví dụ, có thể dùng ~らしい để bày tỏ suy nghĩ, cảm giác, hành động của bên thứ 3. Ví dụ:
Anさんは飲み会に出たくないらしいですよ。Nghe vẻ/hình như anh An không muốn đi liên hoan đâu.
Bài tập luyện đọc hiểu N4 (P3)
Thể hiện bản chất, tính chất của sự vật nào đó
Ý nghĩa thứ 3 của ~らしい là khi muốn diễn tả 1 cái gì đó đúng tính chất, bản chất, đặc tính, tính nguyên bản của nó. Diễn tả sự so sánh với 1 vật/người đặc trưng nào đó (tức là vật/người đó có những tính chất riêng biệt mà vật mang ra so sánh làm cho mình có cảm giác gần giống như thế. Ví dụ:
・春らしいファッション。Thời trang đúng kiểu mùa xuân. (Kiểu miêu tả những bộ quần áo rất hợp/rất phù hợp với mùa xuân)
・ずっと暑かったけれどもやっと秋らしくなってきた。Trời nóng mãi rồi cuối cùng cũng đến những ngày thu dịu dàng. (ngày mát mẻ, trời nắng nhẹ không nóng…)
・私は女性らしい洋服はあまり着ない。Tôi ít khi mặc quần áo nữ tính lắm. (chẳng hạn những đồ màu hồng, váy vóc dịu dàng…)
Với ý nghĩa này thì mọi người thường hay nhầm lẫn với ような. Mình cùng xem qua 1 vài ví dụ sau nhé:
A: 今日は夏らしい天気だ。
B: 今日は夏のような天気だ。
Với câu A thì mang nghĩa: thời tiết hiện tại đúng kiểu mùa hè. Nó kiểu như là 1 ngày hè điển hình vậy. Nhưng nếu nói theo câu B thì nghĩa: hiện tại không phải là mùa hè. Nó có thể là mùa đông, mùa xuân, mùa thu nhưng thời tiết ngày hôm nay thì lại như những ngày hè vậy.
A: 小林さんは男らしい人だ。 Kobayashi san là thật sự là đàn ông, cực kỳ ra dáng đàn ông.
B: 小林さんは男のような人だ。 Kobayashi san cư xử, hành động như 1 người đàn ông.
Chú ý:
– với cách sử dụng này, らしい sẽ chỉ được kết hợp với danh từ.
Tổng kết Ngữ pháp N4 ~らしい
Thật sự là rất rất khó để phân biệt các cách sử dụng, bởi vì chúng quá giống nhau đúng không. Chỉ trong chính 1 mẫu câu đã bao gồm rất nhiều sắc thái nghĩa. Trong các sắc thái nghĩa lại bao gồm nghĩa của các cấu trúc khác nhau.
Vậy nên, chẳng còn cách nào khác là chúng mình phải làm thật nhiều bài tập nhất là các bài đọc, luyện tập nói tiếng Nhật (nói với người bản xứ được thì tốt). Mong rằng bài viết Ngữ pháp N4 ~らしい này sẽ giúp ích các bạn 1 phần nào đó trên con đường học tiếng Nhật. Bài viết sau mình sẽ dành để “phân biệt ~らしい, ~っぽい, ~みたい” nhé.