Đây là một khía cạnh trong văn hóa Nhật Bản mà rất nhiều người biết và yêu thích nó. Chỉ cần hỏi bất cứ du học sinh nào về lí do đến Nhật Bản, cũng có thể dễ dàng nhận được câu trả lời là “Bởi vì tôi yêu văn hóa Nhật”. Và nói về nét đẹp văn hóa Nhật, không thể không nhắc đến văn hóa ăn uống của họ. Hãy cùng tìm hiểu về itadakimasu và gochisousama bằng bài viết sau nhé.
Tổng quan về itadakimasu.
Thế hệ này qua thế hệ khác, người Nhật được dạy phải chắp tay nói “Itadakimasu!” trước khi thưởng thức món ăn ngon ở trước mặt họ. “Itadakimasu” có thể được dịch là “Xin phép dùng (nhận) ạ” và có lịch sử lâu đời ở Nhật Bản.
Itadakimasu là dạng câu rất lịch sự và tôn kính của “moraimasu” (nhận được) hay “tabemasu” (ăn). Chữ kanji 頂(Đính) biểu thị nhiều ý nghĩa, trong đó có “đỉnh, chóp” và “nhận”. Là một biểu hiện truyền thống thể hiện lòng biết ơn bằng cách nâng trên đầu món quà được nhận. Qua thời gian thì itadakimasu trở thành biểu đạt nâng giá trị của món ăn mình “nhận” được. Trước khi bắt đầu bữa ăn, họ sẽ lặp lại câu nói này. Tập quán này vẫn quan trọng và được giáo dục nhưng không còn ý nghĩa quá nặng nề nữa. Có thể dịch đơn giản là “Cùng ăn thôi”.
Tổng quan về Gochisousama.
Và sau khi đã ăn xong, người Nhật sẽ cảm ơn người đã chuẩn bị bữa ăn cho mình bằng cách nói “Gochisousamadesu!” hoặc “Gochisousamadeshita!”. Vậy câu nói này có ý nghĩa gì và nguồn gốc từ đâu? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.
Trước hết, chúng ta cùng nhìn vào kí tự kanji biểu thị cho “Gochisousama” là gì nhé. Nó được viết bởi 御馳走様. Đứng trước 馳走 (chisou) là 御 (go) – tiếp đầu ngữ lịch sự, ở cuối gắn 様 (sama) giống như trong các từ お疲れ様 (Otsukaresama), お互い様 (Otagaisama)…thường được sử dụng khi muốn biểu thị ý lịch sự, tôn trọng. Cách nói sử dụng cụm お・御~様 không chỉ là cách nói thể hiện sự trang trọng, lịch sự mà còn là cách nói rất tiện lợi thể hiện cả cảm xúc có trong câu nói ngắn đó nữa.
Vậy ý nghĩa khởi nguồn của câu nói này là gì?
Nó có ý nghĩa là もてなしのお礼 (Motenashi no orei) – lời cảm ơn vì lòng nhiệt thành!
Trong chữ kanji 馳走, có ý nghĩa rằng “có thể chạy đi, để cho chạy đi” và từ xa xưa nó được viết là 奔走 – nghĩa là sự cố gắng hay sự hối hả, vội vàng. Ở thời đại mà vật chất còn chưa được phong phú như ngày nay, để có thể tiếp đón, chiêu đãi những vị khách quan trọng thì mọi người thường chạy đôn chạy đáo, cố gắng hết sức để chuẩn bị 1 cách chu đáo nhất. Chính từ việc ấy mà ban đầu câu nói Gochisousama được dùng để bày tỏ lòng biết ơn khi các vị khách nhận được sự tiếp đón nồng hậu, nhiệt tình. Nhưng dần dần đến thời cận đại thì nó chỉ còn được dùng khi dùng bữa xong mà thôi.
Ngoài ra, cũng có câu chuyện khác về chữ kanji này.
Cách đây rất lâu, vì muốn cung cấp một bữa ăn tốt nhất cho khách hàng, các chủ quán phải đi những chuyến đi rất xa bằng ngựa để tìm những nguyên liệu tươi ngon. Để cám ơn việc đem lại món ăn ngon và tốn nhiều công sức thì khách sẽ nói lại với chủ quán câu ご馳走様です” (go-chi-sou-sama-de-su). Chữ Kanji Mã (馬) có nghĩa là “ngựa” nằm trong chữ Trì (馳), có thể hiểu chữ này nghĩa là rong ruổi khắp nơi trên lưng ngựa khi thời xưa chưa có xe cộ như bây giờ. Chữ Tẩu (走) có nghĩa là chạy, ý nói phải gấp gáp tìm cho ra đồ ăn ngon.
Cũng có những trường hợp mà “Gochisousama” được dùng trước bữa ăn để bày tỏ lòng cảm ơn khi nhận được đồ ăn hay món quà gì đó. Mặc dù là cách biểu thị khá casual khi cảm ơn nhưng bằng cách sử dụng “Gochisousamadesu” sẽ có thể truyền tải được lòng biết ơn với người tặng một cách thân mật, nhiệt thành nhất. Hoặc cả khi muốn cảm ơn người khác vì đã giúp đỡ mình, chẳng hạn như 今朝、生ごみを出してきた (sáng nay, em đổ rác rồi anh nhé) thì đối phương sẽ đáp “Gochisousamadeshita”.
Vậy để đáp lại “Gochisousama” thì chúng ta nên nói thế nào?
Trong nhà hàng, quán ăn, khi ăn chúng ta thường nghe thấy Gochisousama và sau đó sẽ là Arigatougozaimasu. Nhưng ngoài cách cảm ơn ra, chúng ta còn có thể nói như thế nào? Trong gia đình, bình thường người mẹ, người chị đơn giản sẽ chỉ đáp lại là “Hai” – nghĩa là “Vâng, không có gì”. Còn ở bên ngoài, với những người khiêm tốn, họ sẽ thường nói お粗末様でした (Osomatsusamadeshita) – nghĩa là Không có gì, chỉ là 1 bữa ăn đơn giản thôi!. Tuy nhiên, trải qua thời gian thì câu nói này không còn được sử dụng nhiều nữa. Và người ta thường tránh dùng câu này vì cảm giác nó đem lại ấn tượng negative – không tốt cho lắm.
Bên cạnh đó, còn có những cách đáp lại thông minh như sẽ hỏi lại rằng お口に合いましたか (Okuchi ni aimashitaka) – nghĩa là Bạn ăn có thấy vừa miệng không? Món ăn có hợp khẩu vị không? Trong trường hợp này, câu trả lời được suggest nhiều nhất đó là おいしかったです (Oishikattadesu) – nghĩa là Tôi thấy ngon lắm!
Mong rằng qua bài viết tìm hiểu về itadakimasu và gochisousama nay, mọi người đã phần nào hiểu thêm được cách sử dụng cũng như nguồn gốc của 2 từ mang nhiều ý nghĩa đẹp này nhé.
Xem thêm: Phải lấy người như anh