Categories
Tin tức Nhật Bản Xứ Phù Tang

Đất nước Nhật Bản

Xứ anh đào, xứ Phù Tang
Cả xứ hoa Cúc mà nàng có hay?
Thôi nay đã đến chốn này
Chi bằng nán lại cùng cày lý do 😀

Với những ai đã và đang học tiếng Nhật thì mình tin là mọi người đều biết ngoài quốc hiệu Nhật Bản ra thì đất nước Nhật Bản còn có 4 tên gọi khác nữa. Đó là “xứ sở hoa anh đào”, “xứ xở mặt trời mọc”, “xứ hoa Cúc” và “xứ Phù Tang”. Lý do cho hai tên gọi đầu thì có lẽ là ai cũng biết cả rồi. Còn 2 tên gọi sau có ý nghĩa gì, bắt nguồn từ đâu thì chúng mình cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Đất nước Nhật Bản – xứ Phù Tang

Phù Tang là gì?

Phù Tang (扶桑 – ふそう, cây phù tang) mà Thuyết văn giải tự của Hứa Thận giảng gọi là cây huyền thoại. Đây là nơi thần mặt trời nghỉ ngơi trước khi du hành từ Đông sang Tây. Do đó phù tang mang nghĩa văn chương là chỉ nơi mặt trời mọc. Sách Thập Châu Ký cũng giảng: cây Phù Tang ở trong biển Biếc (Bích Hải), cây mọc cao đến mấy ngàn trượng, tán xòe ra đến hơn ngàn trượng, có hai thân chung một cội, cùng nương tựa nhau. Cội đó là nơi mặt trời mọc.

Còn trong Từ điển tiếng Trung do Trường Đại học Daito Bunka biên soạn thì “Phù Tang” mang 3 nghĩa:
– Phù Tang là một loại cây lớn ở biển Đông Hải
– Phù Tang là tên một quốc gia cổ ở biển Đông Hải (Nhật Bản)
– Phù Tang là chỉ cây “Phật Tang” hay chính là một loài dâu

JLCAT – kỳ thi năng lực tiếng Nhật mới

Xứ Phù Tang

Từ lâu, “xứ Phù Tang” mặc nhiên trở thành một từ người Việt dùng để chỉ Nhật Bản.

Theo từ điển song ngữ Nhật – Việt do Onochi Seiji biên soạn và phát hành năm 1979, “Phù Tang” được giải thích với 3 nghĩa:
– là cây mặt trời (thần thoại)
– phía đông
– đất nước mặt trời mọc (Nhật Bản).

Trong văn học cổ, Phù Tang cũng được dùng để chỉ nơi mặt trời mọc. Các tài liệu cổ của Trung Quốc chỉ đề cập
– Phù Tang là thần mộc
– Phù Tang quốc là đất nước ở phía Đông của Trung Quốc nói chung
chứ không mặc định đó là cây dâu hay đất nước Nhật Bản.

Tiến sĩ Phạm Thu Giang của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội từng vấp phải những nghi ngờ từ người Nhật khi phiên dịch “Phù Tang” thành ふそう. Cô đã tiến hành 1 cuộc điều tra nhỏ với 50 người Việt và 50 người Nhật. Mục đích để làm sáng tỏ điều này.

Bài tập luyện đọc hiểu N4

Kết quả cho thấy, hầu hết người Việt khi được hỏi đều khẳng định “Phù Tang” là Nhật Bản hoặc một vùng của Nhật Bản. Trong khi những người Nhật tham gia khảo sát lại tỏ ra lúng túng khi phải lựa chọn các đáp án trắc nghiệm, mà một trong số đó là đất nước của họ.

Vì vậy, xứ Phù Tang có thể là tên gọi được nhiều người Việt chấp nhận với ý nghĩa chỉ Nhật Bản. Tuy nhiên nó chưa thực sự chính xác và phổ biến với người Nhật.

Đất nước Nhật Bản – xứ hoa Cúc

Nhật Bản còn được gọi là xứ sở hoa Cúc. Đây là loài hoa được phong là Quốc hoa của Nhật Bản (không phải hoa anh đào đâu nhé ^_^)

Hoa Cúc tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu. Bên cạnh đó, với trăm cánh hoa đua nở nó còn biểu tượng cho sự phúc hậu, tràn đầy. Người Nhật Bản họ rất yêu thích ý nghĩa của loài hoa này. Họ muốn đất nước họ sẽ mãi trường tồn vĩnh cửu và thể hiện được nét đẹp con người Nhật Bản trên toàn thế giới. Do đó, hoa Cúc đã từ lâu trở thành một loài hoa thần tượng của đất nước này. Nó đại diện cho quốc hồn của người dân đất nước mặt trời mọc.

菊の花 – hoa Cúc

Vào thời Heian, hoa Cúc chỉ được trồng trong cung đình và trong nhà của giới quý tộc. Do đó, loài hoa này không chỉ được xem là quốc hoa của Nhật Bản mà còn là biểu tượng cho uy quyền của Hoàng gia. Hiện nay, loài hoa này vẫn được xem là biểu tượng của Hoàng gia Nhật Bản.

Quốc huy của Nhật Bản

Huy hiệu hoàng gia Nhật Bản, còn được gọi là Cúc Văn (kikumon), Cúc Hoa Văn (kikukamon) hoặc Cúc Ngự Văn (kikunogomon). Đây là một huy hiệu được Thiên hoàng cùng những thành viên trong hoàng thất Nhật Bản sử dụng. Đây cũng là quốc huy của Nhật Bản hiện đại kể từ năm 1867. Quốc huy là hình ảnh một bông hoa Cúc màu vàng có viền màu đen. Cấu tạo gồm một hình tròn nhỏ làm tâm được bao bọc bởi 16 cánh hoa thuộc lớp trước, và ẩn bên dưới là 16 cánh hoa lớp sau được xếp xen kẽ và được vẽ dưới dạng những đường vân tròn.

Đất nước Nhật Bản
Quốc huy của Nhật Bản

Đến thời Edo, hoa Cúc được trồng phổ biến hơn và trở thành loài hoa rất được ưa chuộng. Hoa Cúc là hình ảnh không thể thiếu để tô điểm cho những chiếc kimono truyền thống. Ngoài ra những ngôi đền Thần đạo thường dùng Cúc văn hoặc bổ sung những yếu tố họa tiết khác để tạo thành biểu tượng của riêng mình, nổi tiếng nhất là đến Yasukuni ở Tokyo.

Đền này ở Nhật nổi tiếng lắm. “Đền Yasukuni ở Tokyo thờ 2,5 triệu binh lính Nhật Bản chết trong Thế chiến II, trong đó có cả tội phạm chiến tranh và những người tham gia lực lượng phát xít Nhật. Ngôi đền luôn là tâm điểm tranh cãi giữa Nhật Bản với các quốc gia láng giềng châu Á, các nước từng bị Nhật xâm lược mỗi khi các lãnh đạo tới thăm”. Theo AFP. Đền này mình xin giới thiệu trong một bài viết khác nhé.

Lễ hội hoa Cúc

Hàng năm, vào khoảng tháng 10, tháng 11, có nhiều lễ hội triển lãm hoa Cúc được tổ chức. Điển hình là lễ hội “ Búp bê hoa Cúc” được tổ chức tại Fukushima. Tại lễ hội này, có rất nhiều hình nhân diện trên mình những trang phục làm hoàn toàn từ hoa Cúc để tái hiện lại hình ảnh của những nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật. Họ tạo nên những bộ trang phục kimono hoa Cúc mang linh hồn của đất nước. Lễ hội đã tồn tại trên 50 năm rồi.

Lễ hội hoa Cúc

Qua bài viết này mong rằng mọi người đã tìm được cho mình những kiến thức bổ ích, để hiểu hơn về đất nước Nhật Bản. Mình có tìm được một tài liệu khá hay, giải thích khá chi tiết về “Phù Tang”, mọi người cùng tham khảo thêm ở link này nhé. Bài viết có sử dụng tư liệu của nhiều nguồn khác nhau.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux