Categories
Arubaito Xứ Phù Tang

Bí kíp khi xin việc làm thêm tại Nhật (Phần 1)

Chắc hẳn với bất kỳ ai khi xin việc làm (アルバイトに応募する)mà ứng tuyển qua điện thoại thì đều rất lo lắng, sợ hãi đúng không. “Không biết là nên nói gì đây”, “không biết là mình sẽ bị hỏi những gì đây” hay “nếu đối phương đặt câu hỏi khó quá không trả lời được thì mình phải làm sao”…càng nghĩ lại càng thấy lo lắng hơn. Vậy thì, làm sao để có thể ứng tuyển baito qua điện thoại mà ít 緊張 – kinchou – lo sợ nhất, thuận lợi phỏng vấn nhất, mình xin chia sẻ qua bài viết sau.

Dù nói là bí kíp khi xin việc làm thêm tại Nhật nhưng thật ra bí kíp của mình đó chính là “sự chuẩn bị” (笑)
Dù là việc gì, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì chắc chắn mang lại kết quả tốt đúng không. Vậy thì khi gọi điện đến nơi ứng tuyển mình cần chuẩn bị những gì nhỉ.

1: Ghi lại sẵn những nội dung sẽ nói

Trước khi gọi điện, hãy cố gắng dành thời gian ghi ra giấy/note lại trước những nội dung mà mình sẽ định nói nhé. Nếu làm như thế thì có thể tránh được việc lúc mất bình tĩnh mình thường quên các nội dung cần nói, các câu cần hỏi hay tránh việc gọi điện mà nội dung nói rất バラバラ – lung tung, rời rạc.

Mình cố gắng tóm các nội dung quan trọng vào 1 tờ giấy, ghi lại rõ ràng từng mục để lúc nói chuyện nhìn vào đó là sẽ hiểu ngay. Không nên ghi dàn trải, ghi vào nhiều tờ giấy vì lỡ đâu lúc gọi điện tay chân lúng túng, giở mãi không được trang bên cạnh thì lúc đấy đầu mình tự nhiên trống hoác ấy 😀 (kinh nghiệm xương máu). Vậy nên cố gắng tóm tắt các nội dung cần nói/sẽ nói vào 1 mặt tờ giấy thôi nhé.
Ngoài ra, lúc mà note thì cố gắng cách dòng từng mục ra nhé, để vừa dễ nhìn mà còn có thể ghi lại lời đối phương nói nữa.

2: Vừa nhìn phần mình đã note vừa luyện gọi điện thoại

Sau khi note xong thì mình cần luyện tập nói trước những điều ấy. Hãy thử nói thành tiếng rõ ràng, mạch lạc dựa theo tờ note nhé. Nếu mà chỉ tưởng tượng trong đầu mà không chịu luyện nói thì e là khi gọi điện thực tế sẽ khó nói theo lắm. Chỉ bằng cách luyện nói thật nhiều thì khi gọi điện mình mới có thể nghĩ là “à mình đã luyện nhiều lần rồi, chắc chắn sẽ nói trôi chảy thôi”, nhờ đó mà mình có thể tự tin nói chuyện, trả lời phỏng vấn hơn.

3: Chuẩn bị sẵn dụng cụ ghi chép

Chắc chắn rằng khi gọi điện ứng tuyển, không ít thì nhiều, sẽ có một số câu hỏi hay thông báo cần phải ghi chép lại, thì lúc ấy bên cạnh bạn mà không có bút hay sổ gì thì… 🙁 Chẳng hạn khi người phỏng vấn hỏi “Giờ bạn có thể note lại lời tôi nói không?” Lúc ấy bạn mới bắt đầu cuống cuồng đi tìm bút, sổ thì vừa mất thời gian lại khiến đối phương chờ đợi. Và thế là cơn run rẩy lại từ đâu vội tới, nên là cần chuẩn bị sẵn dụng cụ ghi chép cần thiết nhé.

Nhớ hồi ở bên Nhật, 1 chị bạn của mình gọi điện ứng tuyển baito 商品だし(công việc này là lấy đồ từ kho bày ra quầy, đi kiểm tra hàng hóa xem còn hay hết rồi báo lại cho leader), nhưng rất tiếc là chị trượt… Chị chia sẻ là do lúc gọi điện, bên phỏng vấn có dặn dò chị 1 vài thứ. Vì công việc liên quan đến kiểm hàng nên cần phải biết tính toán chút, leader dặn mang bút chì và giấy đi để làm bài test. Nhưng do chủ quan không chuẩn bị bút giấy để note lại, cứ nghĩ rằng mình nhớ được. Đến hôm đến làm bài test thì vào phòng, leader hỏi thì mới nhận ra là quên hết rồi, không mang gì cả 🙁 Và thế là trượt 🙁
Bài tiếp theo: Phân biệt ぜひ、かならず、きっと

4: Tập hít thở sâu

Hít thở sâu có thể làm giảm mức độ căng thẳng cũng như giúp giảm lo âu. Khi bạn hít thở sâu, nó sẽ gửi một thông điệp đến não để giúp bạn bình tĩnh và thư giãn. Sau đó, não sẽ gửi 1 thông điệp tương tự đến cơ thể bạn. Điều quan trọng là phải chế ngự được sự căng thẳng, vì nó là nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵ và các bệnh khác. Theo một nghiên cứu sơ bộ được thực hiện ở Tây Ban Nha vào năm 2010, liệu pháp kiểm soát việc hít thở giúp làm giảm mức độ hoóc môn (cortisol) gây ra căng thẳng. Từ đó dần dần giúp bạn xua đi sự căng thẳng mệt mỏi trong cuộc sống. (Theo baomoi.com)

5: Chú ý đến khoảng thời gian hay địa điểm gọi điện

Nếu như địa điểm ứng tuyển là quán ăn, nhà hàng thì cần tránh thời gian cho bữa trưa và từ 18h~21h. Nếu là văn phòng thì khoảng 2h sau khi bắt đầu giờ làm việc và khoảng thời gian gần giờ tan làm, 17h~19h. Dựa theo địa điểm, loại hình công việc mà mình định ứng tuyển, hãy cố gắng tránh khoảng thời gian mà mình nghĩ rằng đối phương sẽ bận ra nhé. Ngoài ra, chúng mình nên tránh gọi điện ở chỗ đông người nhé, vì lúc gọi âm thanh bên ngoài sẽ bị lẫn vào cuộc gọi, gây khó nghe nhé.

Mong rằng qua bài viết Bí kíp khi xin việc làm thêm tại Nhật trên đây, sẽ giúp ích phần nào đó cho các bạn khi muốn gọi điện ứng tuyển việc làm thêm nha. Nếu bạn nào có ý định gọi điện ứng tuyển thì hãy thử áp dụng những bí kíp trên xem sao nhé. バイトの応募先へ電話をかける前にちゃんと準備したら?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *