Một trong những cách tiết kiệm chi phí khi ở Nhật đó là sắm đồ tại các shop đồ cũ. Các cửa hàng đồ cũ ở Nhật – tuy nói là đồ cũ nhưng thực ra đã có những lần mình mua được cả 1 bộ quần áo mới nguyên ở đây rồi.
Đi Nhật nên mua gì về làm quà?
Các cửa hàng đồ cũ ở Nhật
Ở Nhật có rất nhiều các cửa hàng đồ cũ, nằm rải rác ở 47 tỉnh thành trên cả nước. Tại đây, bạn không chỉ mua được đồ cũ với giá phải chăng mà bạn còn có thể mang đồ tới bán nữa. Tuy nhiên, quá trình thẩm định đồ khá khắt khe và số tiền họ mua lại cũng khá thấp nhé. Dưới đây là 1 số shop second hand nổi tiếng ở Nhật.
Book Off
Đầu tiên phải kể đến Book Off ブックオフ – 1 cái tên quen thuộc với tín đồ đồ cũ ở Nhật. Cửa hàng đầu tiên của Book Off được mở tại tỉnh Kanagawa vào năm 1990 với diện tích chỉ vỏn vẹn 35m2. Thế nhưng từ năm tiếp theo, công ty đã phát triển mô hình nhượng quyền, đến hiện tại tính cả số cửa hàng trong và ngoài nước thì con số đã lên tới hơn 700 cửa hàng.
Như tên gọi Book Off thì mới đầu cửa hàng chỉ thu mua sách báo cũ. Năm 1994 thì thêm mảng CD, đầu đĩa. Từ năm 2000 thì triển khai mua bán trang sức, quần áo, các đồ dùng thể thao. Sau đó dần dần từ năm 2011, cùng với nhu cầu của người tiêu dùng và mở rộng việc kinh doanh thì ở Book Off còn có điện thoại cũ, đồ điện gia dụng cỡ nhỏ….
Link tìm địa chỉ Book Off gần nhà: Book Off
Hard Off
Khởi đầu là công ty cổ phần サウンド北越 thành lập năm 1972, triển khai bán lẻ audio-visual. Đến năm 1993, công ty mở cửa hàng Hard Off đầu tiên tại Niigata và bắt đầu kinh doanh đồ cũ. Tính đến tháng 4/2020, tổng số cửa hàng Hard Off đã hơn 900 cửa hàng trên toàn Nhật Bản.
Mới đầu mình đã tưởng Book Off với Hard Off là một do tên, logo hay ngành nghề kinh doanh cũng tương tự nhau. Nhưng không phải, đây là 2 công ty riêng biệt. Trụ sở chính của Hard Off ở Niigata, còn Book Off thì ở Kanagawa. Ngoài ra, nếu để nói kỹ hơn thì
– Book Off chuyên các sản phẩm về sách, game
– Hard Off chuyên các sản phẩm về PC, nhạc cụ, loa, audio…
Link tìm địa chỉ Hard Off gần nhà: Hard Off
2nd STREET
Khởi nguồn của công ty mẹ GEO là chuyên cho thuê băng đĩa rồi dần dần mở thêm việc kinh doanh các phần mềm, thiết bị chơi game. Đến năm 1996, thành lập công ty con フォー・ユー (tiền thân của 2nd STREET) chuyên về đồ cũ, cho thuê, mua bán game.
Hiện tại 2nd STREET có tới hơn 700 cửa hàng trên toàn Nhật Bản. Tại đây, bạn có thể tìm thấy các sản phẩm về quần áo, đồ điện, đồ gia dụng, tạp chí, báo….với hơn 100 nghìn đầu sản phẩm. Cửa hàng còn có chi nhánh tại Mỹ, Đài Loan, Malaysia.
Link tìm địa chỉ 2nd STREET gần nhà: 2nd STREET
Treasure Factory
Công ty có khoảng 183 cửa hàng (tính đến năm 2018) chủ yếu hoạt động tại khu vực Kanto và Kansai. Ở đây, bạn có thể mua bán quần áo, hàng hiệu, đồ nội thất, đồ gia dụng, đồ thể thao, hàng hóa linh tinh, v.v. Ngoài ra, Treasure Factory còn phát triển 1 dịch vụ riêng với tên gọi トレファク引越/TreFa Hikkoshi chuyên việc chuyển nhà và thu mua hàng loạt các vật phẩm không sử dụng.
Với Treasure Factory khi muốn bán 1 món đồ, có 3 cách bạn có thể sử dụng
– 出張買取/thu mua tại nhà
– 店頭買取/thu mua tại cửa hàng
– 宅配買取/gửi đồ đến cửa hàng
Link tìm địa chỉ Treasure Factory gần nhà: Treasure Factory
KINJI
Nằm cách giao lộ Meiji Dori-Omotesando khoảng 50 mét đi về phía Takeshita Dori, KINJI là 1 shop đồ cũ tuyệt vời, rộng lớn với đủ loại quần áo tạo nên phong cách ở Harajuku. Đồ ở đây đều rất mới, phong cách cũng lạ. Tuy nhiên giá cũng sẽ đắt hơn so với các shop trên.
Link tìm địa chỉ KINJI gần nhà: KINJI Used clothing
Komehyo
Nếu là 1 tín đồ của hàng hiệu cao cấp 最大級 tại Nhật thì chắc chắn Komehyo là shop mà bạn không nên bỏ qua. Tại đây, có đủ đồ từ Gucci, Dior, Louis Vuitton, từ quần áo, giày dep, túi xách đến trang sức, kimono,….
Được phát triển từ năm 1947, đây có thể coi là cửa hàng đồ cũ có lịch sử lâu đời tại Nhật. Nếu muốn sở hữu 1 chiếc đồng hồ SEIKO, hay 1 chiếc túi Dior, 1 bộ Kimono… lộng lẫy với chi phí tiết kiệm hơn thì các bạn đến đây tìm thử nhé.
Link tìm địa chỉ Komehyo gần nhà: Komehyo
Ngoài ra, còn 1 số cửa hàng đồ cũ khác như Tanpopo House, Bottle Off (chuyên chai lọ)….
Mua đồ tại shop secondhand
Vì muốn tiết kiệm chi phí nên mình cũng thường đến các cửa hàng đồ cũ. Quần áo ở đây theo mình thì vẫn khá mới, có những cái còn nguyên tag mác. Tất cả đồ đều được giặt sạch sẽ rồi.
Chiếc áo này mình mua hồi mùa đông. Áo 2 lớp, có lót lông, ấm lắm mà chỉ 500y. Hay chiếc mũ này chỉ 300y mà cũng dày dặn lắm.
Mua đồ second hand thì chủ yếu là phải có thời gian chọn lựa. Chọn hôm nào thật rảnh rỗi đi xem, đi thử, ngắm nghía 1 hồi xong quyết định thì nhất định sẽ chọn được món ưng ý. Thêm nữa, ở mỗi shop cũng sẽ có hệ thống tích điểm riêng. Nếu bạn hay mua bán ở tiệm nào thì nên làm thẻ tích điểm của tiệm đó nhé.
Ngoài các cửa tiệm đồ cũ ra thì ở Nhật, mình hay gặp những nhà cho đồ miễn phí.
Họ thường ghi là ご自由にどうぞ hoặc ご自由にお持ちください nghĩa là mình có thể lấy tự do, mang về nhà được. Cuối tuần này, bạn thử đi vòng vòng xem có nhà nào cho đồ không nha.