Categories
Tin tức Nhật Bản Xứ Phù Tang

Lễ thất tịch ở Nhật Bản

Lễ thất tịch ở Nhật Bản, hay còn gọi với tên khác là Tanabata hay Shichiseki, cách viết 七夕. Ngoài “Thất tịch” ra thì tiếng Việt mình còn gọi “lễ ngắm sao”.

Lễ thất tịch ở Nhật Bản

Mùa hè của Nhật Bản, trừ đảo Hokkaido phía Bắc, có thể bắt đầu từ tháng 5. Nhưng dấu hiệu Vào Hạ thực sư là mùa mưa mà người Nhật thường gọi là つゆ hay 梅雨.

“Tsuyu” giống như mưa ngâu, không mưa lớn hay có sấm sét như trong Nam xứ ta. Đây là lúc mà mọi sự “phiền toái” của cuộc sống được khởi đầu. Vì là mùa thích hợp cho loài nấm mốc nẩy mầm và tăng trưởng nhanh chóng. Người Nhật thường bị “trúng thực” và “bệnh lở da” là vì thế. Cho nên người xưa rất dè dặt với mùa này.

“Bai-u”(梅雨) là một từ Hán du nhập vào Nhật vào thời Edo (江戸) – nhưng mưa thì đã có từ xưa. Về sau chữ này thường được đọc qua âm “Tsuyu” (つゆ) . Chữ “Bai-u” vốn viết là “黴雨”. Chữ “黴” đồng âm “méi” với chữ 梅(Mai) trong Hoa ngữ, đọc là “mi”hay “kabi” trong Nhật ngữ – có nghĩa là nấm (fungus) hay “meo mốc” (mold). Chữ “雨” (vũ) là mưa. Đó là mưa sinh ra meo mốc. Nhưng nếu dùng chữ “黴” (mi) thì hơi “kỵ” nên người TQ đổi sang chữ “梅”. Có thuyết cho là vì mưa rả rích vào mùa quả “mai” (梅) chín nên gọi là thế. Còn cách phát âm “つゆ/tsu-yu” thực ra là mượn từ chữ 露(lộ), tức “sương” hay “mưa phùn” mà ra.

Sub tiếng Nhật Có chắc yêu là đây

Cô dâu tháng sáu…

Tháng 6 cũng được gọi khéo là Minazuki (水無月・thủy vô nguyệt*). Đây là tháng không có ngày nghỉ lễ và là mùa mưa liên tục nhiều ngày. Tuy nhiên ngày nay giới trẻ Nhật dùng tháng 6 để cử hành hôn lễ rất nhiều. Có lẽ vì mấy cô gái rất thích đóng vai “Rokugatsu no Hanayome (六月の花嫁・June Bride) như Âu Mỹ. Mọi cuộc lễ lớn náo nhiệt phải chờ đến tháng 7 và 8.

Lễ “Sao”, “Khất xảo” và “Tanabata”

Vào đầu tháng 7, ngày mồng 7 là lễ “Sao” từ Trung Quốc truyền sang từ thời Heian – và thường được người Tây phương xem như ngày Valentine của Á Đông. Đây là ngày mà nàng Chức nữ “Orihime” (織姫/Chức Cơ) được phép tái ngộ với chàng Ngưu Lang “Hikoboshi” (彦星**/Ngạn Tinh) bên kia của dải sông “Ngân”. Người TQ cũng gọi ngày này là lễ “Khất xảo”(乞巧) để mấy cô con gái cầu trời được “kỹ năng” (khéo tay) trong việc may dệt như nàng “Chức Nữ” xưa kia.

Khi tục lễ hội 7/7 truyền sang Nhật Bản, ngày lễ này được gọi là lễ “Shichiseki”(七夕・Thất tịch) trong Hoàng Cung. Tuy nhiên, sau đó thì lại được đổi thành lễ “Tanabata” trong dân gian.

Về ngữ vựng, “七/thất” là “bảy” còn “夕/tịch” là “buổi chiều tối”. Ở Nhật Bản, ngày 7/7 có tính chất tôn giáo hơn nhiều xứ Á Đông khác cùng cử lễ này. Nhưng lý do tại sao – thay vì gọi ngày này là “Shichiseki”, người Nhật lại dùng “Tanabata”? Đây cũng có vài nguyên do cho nó.

Các loại sữa tắm của Nhật

Nguyên do cái tên Tanabata

Theo tục lệ Phật Giáo, chiều ngày mồng 7 là lúc sắp đặt bàn thờ gọi là “Tanabata” (棚幡) (như bàn hương án của ta) để chuẩn bị lễ Cúng Dường (Dàng) cho cha mẹ đã qua đời (tức lễ O-bon). Vì thế khi đến ngày “Shichiseki/Thất Tịch” thì lại thường liên tưởng đến “Tanabata”.

Chữ “棚”(Tana/bằng) có nghĩa là cái “gác” hay “bàn”, còn chữ “幡” (hata/phiên) có nghĩa là lá cờ hiệu vì khi lập bàn thờ người Nhật có tục dựng cây “sasa” (笹・trúc) như biểu tượng cho cờ. Ngoài ra “Tanabata” còn được viết là “棚機” (bằng cơ) – tức là cái khung cửi hay máy dệt.

Lễ thất tịch ở Nhật Bản

Tục truyền rằng, xưa kia mỗi năm đến dạo này, có một cô “Miko” (巫女/Vu Nữ – phục vụ trong Thần cung・神宮) thường dệt tấm gấm rất đẹp để dâng cúng Trời Phật cầu mong cho nông gia được mùa và vạn chúng luôn được an lành. Về sau cô Miko được nhắc đến qua cách gọi khác là “Tanabatatsume” (棚機津女) – tức “Cô gái dệt lụa” vì nó ngẫu nhiên lại trùng hợp với nàng “Chức Nữ” trong truyện xưa của ngày Thất Tịch.

Lễ thất tịch ở Nhật Bản

Ngoài ra

Có người lại cho rằng vì nhà nông có ngày lễ “rảy hạt” gọi là “Tanabatamatsuri” ( 種播祭り) đồng lúc với ngày 7/7, nên dân gian sáp nhập vào cách gọi này.

Thêm một thuyết nữa là – ngày xưa có một thanh niên tên là Mikera, một hôm tìm được một chiếc áo choàng (có một version khác bảo là chàng ngư phủ giấu áo của tiên khi đi tắm dưới trần). Liền sau đó có một nàng tiên tên là Tanabata đến nhà Mikera hỏi thăm coi anh có thấy cái áo của nàng không. Anh thanh niên trả lời là không biết nhưng hứa là sẽ giúp nàng trong việc tìm cái áo.

Về sau 2 người thương yêu và lấy nhau. Một hôm nàng tiên tìm thấy cái áo của mình được giấu trên gác nhà của chồng. Nàng giận và bỏ Mikera. Nhưng vì chồng tỏ vẻ ăn năn hối hận nên nàng Tanabata hứa là sẽ tha lỗi cho anh. Điều kiện là anh đan cho nàng 1000 đôi dép rơm. Vì cần quá nhiều thì giờ để hoàn tất nên chàng không gặp lại được vợ tiên. Sau đó vợ chàng nghĩ lại và cho phép gặp mỗi năm một lần vào ngày sao Chức Nữ gặp lại sao Ngưu Lang.

Sản phẩm cho vùng nhạy cảm ở Nhật

Thì ra người Nhật cũng giống như dân ta, khi tìm được truyền thuyết thú vị từ nước ngoài bao giờ cũng tìm cách đồng hóa nó vào chuyện có sẵn trong nước mình. Không biết chuyện “Tấm Cám” nước ta có liên quan với chuyện “Cô bé Lọ Lem (Cinderella) ra sao?

Gợi nhớ….

Xưa kia trong Nam (trước 75), ông bà ta hay cúng hoa quả vào ngày 7/7, và đặt một chậu nước với mảnh kiếng (gương) dưới đáy và để ngoài trời dưới bầu trời đêm đầy sao. Xong rồi kể cho con cháu nghe chuyện “Ngưu Lang Chức Nử” trong khi ngó xuống mặt nước phẳng lặng để nhìn “Sao Ngưu Lang”(Altair), “Sao Chức Nữ” (Vega) và dải “Ngân Hà”(Milkyway).

Khi tôi còn bé tôi mê nghe chuyện đời xưa của ông bà kể lại. Tôi còn nhớ có một lần trong khi chờ cho “Sao Ngưu Lang” đến gần “Sao Chức Nữ” như bà tôi kể, khi vầng mây đen che khuất dải sông Ngân, tôi ngỡ là đàn ô thước đang chắp cánh để bắc cầu. Nhưng rồi vì đến giờ khá khuya, tôi ngã xuống ngủ say sưa trên cái ghế mây của bà tôi. Sáng ngày hôm sau khi thức dậy tôi hỏi bà là 2 “sao” đã gặp lại chưa?- Bà tôi mỉm cười và bảo “phải chi cháu cố thức thêm tí nữa… Thôi chờ đến sang năm sẽ biết!”. Âu đây cũng là một trong những kỷ niệm đẹp của thời ấu thơ …

Như đã đề cập phía trên

Ngày Tanabata là ngày lễ có tính chất Phật Giáo. Đây là ngày chuẫn bị cho lễ O-bon của Nhật Bản. Theo Âm lịch của Tàu, tháng 7 là tháng đầu tiên của mùa Thu và được gọi là “Mạnh Thu” (孟秋). Trăng mồng 7 là trăng khuyết “Thượng Huyền” (上弦). Khi bước vào ngày này mùa mưa “ngâu” của Nhật Bản cũng đã chấm dứt. Và nó thường được gọi là “Tsuyu ake” (梅雨明け).

Đối với Exryu (i.e., cựu sinh viên du học Nhật), chắc chắn là mọi người còn nhớ đây là lúc mà anh em ta phải trải qua nhiều đêm thâu khó ngủ vì cái nóng bức và ẩm rích của mùa hè xứ Hoa Anh Đào. Nhưng đây cũng là lúc mùa nghỉ hè sẽ bắt đầu. Còn đối vời dân thích leo núi như tôi hay anh Nguyễn Quang Lữ (Shikoku), tháng 7 là tháng đáng nhớ nhất vì đó là tháng “Khai Trương” cho mùa “leo núi mùa hạ” (本格的な夏山シーズン). Đây là lúc mà những chuyến “Ya-kô Densha” (夜行電車・tàu chạy đêm) vào ngày thứ bảy chở đầy nghẹt anh (chị?) “Yama Otoko” (山男・dân leo núi) trong những toa tàu “thiếu dưỡng khí” ở nhà ga Shinjuku (新宿) để đưa họ lên miền núi vùng Nagano (長野) hay Yamanashi (山梨) vào buổi sáng hôm sau.

Lễ thất tịch

Tùy theo địa phương lễ Tanabata được cử hành vào ngày 7/7, 7/8 Dương lịch hoặc ngày 7/7 Âm lich. Sự chênh lệch này là do việc đổi sang dùng lịch mới trong nước Nhật sau thời Meiji (明治・Minh Trị). Theo Âm lịch, ngày 7/7 đã sắp gần “Lập Thu” (立秋). Trong khi đó ngày này trong lịch mới còn là mùa hè với “Tsuyu”. Lại nữa đêm “Thất Tịch” theo Âm lịch thì trăng còn khuyết và lặn sớm nên dải “Ngân Hà” thường xuất hiện rất rõ trên bầu trời đêm. Theo lịch mới thì dạng của trăng không theo chu kỳ nhất định có lúc quá sáng nên làm cho sông Ngân bị lu mờ …

Người Nhật gọi mưa rơi vào đêm 7/7 là “Sairui-u” và viết là 催涙雨(thôi lệ vũ) hay 酒涙雨(tửu lệ vũ). Nghĩa là mưa buồn như nước mắt. Họ thường cầu nguyện cho trời đừng mưa vào đêm này. Vì nếu mưa nước sẽ làm cho sông Ngân ((天の川/Amanogawa) ngập lũ và đoàn Ô thước không kết được cầu nên “Orihime” (織姫/ Chức nữ) và “Hikoboshi” (彦星/ Ngưu Lang) phải chờ đến sang năm mới gặp lại được…

Lễ thất tịch ở Nhật Bản

Gần đây trên Internet có rất nhiều informations đăng về đề tài “Tanabata” của nhiều blogs trẻ bằng tiếng Anh, Nhật và cả tiếng Việt. Nhiều bài viết khá lý thú nhưng cũng có nhiều sự sai lạc hay bẻ cong. Đó cũng là lẽ thường tình vì ngay cả chuyện xưa khi được truyền từ nước này sang nước khác cũng có sự sai biệt. Giống như người xưa thường nói: “Tam sao thất bản” là thế! Nhưng nếu ta thích nghe chuyện xưa thì tốt hơn là tìm những nguồn do người xưa viết để lại.

Sản phẩm của siêu thị Gyomu

Ngày nay

Ở những xứ văn minh như Nhật Bản, Đại Hàn hay Đài Loan, sự chiêm ngưỡng bầu trời đêm của ngày lễ “Sao” trở nên “Imposssible”. Đây là do vấn đề công hại tạo ra bởi ánh sáng đèn điện trong thành phố. Xưa kia dân gian thường ngẩng đầu nhìn lên trời hay thiên đàng để xem sao đêm và tỏ lòng kính cẩn với đấng thiên liên. Ngày nay Ngọc Hoàng Thượng Đế khi nhìn xuống thế gian chắc phải ngạc nhiên và sẽ tự hỏi: “sao mà loài người nhỏ bé kia tạo ra nhiều “Sao” lắm thế? ….”- hay lo âu vì sợ rằng có ngày người dưới thế gian sẽ lên trời bằng phi thuyền và cất cây cầu treo qua ngang sông Ngân như cầu “Akashi Kaikyo” (明石海峡大橋) thì thiên đàng sẽ rối loạn mất đi….

Đa số người Nhật đều biết về truyền thuyết Ngưu Lang Chức Nữ như dân ta hay người TQ. Anh chị em du học Nhật chắc có người còn nhớ bài về “Tanabata” trong quyển “Nihon go doku hon”. Trong bài này có nhắc lại chuyện “…xưa kia, mỗi năm vào ngày Thất Tịch, Orihime (織姫) – tức cô công chúa dệt, được phép gặp lại người yêu là Hikoboshi (彦星) – tức “Ngưu Lang” anh chăng trâu bên kia dải Ngân Hà (天の川・amanogawa) bằng chiếc cầu do đàn ô thước kết cánh trên sông…”.

Ngày nay lễ Tanabata hay Thất Tịch được cử hành rất là náo nhiệt ở Nhật. Lễ hội này (và O-bon) cũng được cử hành ở những nơi có nhiều người di dân Nhật như tại São Paulo – Ba Tây (Brazil), US, Toronto –Canada, v.v.

Lý do người Nhật cuồng đậu đỏ, wagashi nào cũng có anko!

Lễ thất tịch ở Nhật Bản

Lễ thất tịch ở Nhật Bản

Trong ngày lễ “tanabata” gia đình người Nhật thường dựng trước chính môn những cây trúc hay tre xanh. Xưa kia họ dùng sương sáng đóng trên lá tre hoặc lá khoai đễ viết chữ và ghi lời ước nguyện của mình trên đó. Ngày nay dân thành thị treo những điều ước nguyện được viết trên những mảnh giấy gọi là “Tanzaku” (短冊). Cách viết như xưa không còn nữa - thực là “zannen” (đáng tiếc)!

Lễ thất tịch ở Nhật Bản

Trên những phố xá, dọc ngang theo lối đi họ treo những dải phướn màu sắc rất vui mắt. Ngoài ra, còn có lồng đèn hoa giấy và ribbons ngũ sắc gọi là “fukinagashi” (吹き流し) . Chúng tượng trưng cho những sợi chỉ của nàng Chức nữ dùng để đan áo cho Tentei (天帝・Thiên Đế. Và cả những con hạc giấy “Oritsuru” (折り鶴) cầu nguyện cho được sống lâu, những hình nộm hoạt họa, v.v.

Trước sân đền thờ “Shinto” (神道・Thần Đạo) – tức Jinza (神社・thần xã) hay chùa – tức Otera (お寺) thường có hội chợ tấp nập. Các bác tiểu thương đặt bày những quán ăn đồ vặt gọi là “yatai” (屋台). Thường họ sẽ bán “dango”(団子・bánh chuỗi bột), “Takoyaki”(たこ焼き・tuộc nướng), “wataame”綿菓子・kẹo bông gòn), “yakitori” (焼き鳥・thịt gà nướng xâu), v.v. Còn có trò câu cá vàng với cái bánh phòng gọi là “kingyo sukui” mà trẻ con Nhật rất thích. Rốt lại thương nhân cũng có lợi và ngư phủ tí hon cũng hài lòng vì câu được vài con cá vàng đem về cho bố mẹ “mendô miru” (nuôi)….

Món ăn lễ thất tịch ở Nhật Bản

Từ xa xưa người Nhật đã có phong tục ăn mì somen vào buổi tối trong lễ hội này. Họ cho rằng những sợi mì Somen (素麺) giống như những sợi tơ mà Chức Nữ đã dệt nên trong những chuỗi ngày chờ đợi được gặp lại Ngưu Lang. 

Sợi mì có đường kính nhỏ hơn 1.3 mm và thường được ăn lạnh. Đặc trưng của món mì somen là phải ăn kèm với nước chấm tsuyu. Loại nước chấm này là sự kết hợp hài hòa giữa nước sốt katsuo bushi làm từ cá ngừ khô, nước lạnh (để làm dịu vị nước sốt), một ít vừng, gừng và hành lá thái nhỏ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thưởng thức hương vị của những sợi mì lạnh tuyệt ngon này với tôm, thịt, trứng, nấm đông cô cùng các loại rau xanh khác.  

Còn bên Tàu thì họ thường ăn đậu đỏ với mong muốn sẽ may mắn tìm được ý trung nhân. Bởi thế mà lễ thất tịch ở Nhật Bản này thì ở Tàu được gọi là Valentine đó.

Bài viết được chia sẻ từ trang http://www.erct.com/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *